Sử dụng kết quả thi IELTS để xét tuyển đại học đang trở thành xu hướng phổ biến trong những năm gần đây, nhất là với những trường top đầu như: ĐH Ngoại thương, Học viện Ngoại giao, ĐH Y Dược TP.HCM, ĐH Bách khoa TP.HCM…
Đầu vào Tiếng Anh chuẩn quốc tế: Tại sao không?
IELTS (International English Language Testing System) là Hệ thống Kiểm tra Anh ngữ Quốc tế, bao gồm 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết. Kết quả thi IELTS là căn cứ thuyết phục để xác định trình độ Tiếng Anh của thí sinh, và được công nhận rộng rãi trên khắp thế giới.
- Tiếng Anh: chìa khóa mở cửa tri thức
Tại Việt Nam, học và thi IELTS từ lâu đã không còn là chuyện xa lạ với các bạn trẻ. Không chỉ những bạn được định hướng du học, đông đảo học sinh phổ thông cũng quyết tâm nâng tầm Tiếng Anh của mình với IELTS.
Đâu chỉ là một môn học hay điều kiện xét tuyển vào ngôi trường trong mơ, Tiếng Anh ngày nay đã trở thành công cụ thiết yếu để chinh phục tri thức, lĩnh hội kỹ năng mới, và đóng vai trò “điều kiện sống còn” giúp chủ nhân tồn tại trong thị trường lao động toàn cầu.
Với đà phát triển vũ bão của khoa học kỹ thuật thời đại 4.0, kiến thức sách vở học trong nhà trường các cấp đều nhanh chóng trở nên lạc hậu. Chỉ những ai sở hữu khả năng tự học, tư duy phản biện cùng nền tảng Tiếng Anh học thuật vững chắc mới có thể cập nhật kiến thức, học hỏi kỹ năng mới liên tục để trở thành người tiên phong, đón đầu xu thế. Thiếu Tiếng Anh, con người như tự dựng nên một bức tường ngăn cách mình với tri thức mới.
Đây cũng là lý do mà nhiều trường đại học ở Việt Nam buộc sinh viên năm cuối phải đạt điểm IELTS nhất định mới được xét tốt nghiệp. Nếu việc tuyển sinh cũng dựa trên kết quả IELTS, các trường sẽ tạo được sự đồng bộ giữa đầu vào – đầu ra, giúp sinh viên tự định hướng và đặt mục tiêu rèn luyện tốt hơn.
- IELTS: động lực thay đổi việc dạy và học Tiếng Anh ở trường phổ thông
Hiện nay, chương trình Tiếng Anh phố thông còn khoảng cách khá xa với “chuẩn IELTS”. Học sinh Việt Nam muốn thi IELTS đạt kết quả tốt đều phải tự luyện thi hoặc theo học ở các Trung tâm Ngoại ngữ.
Nếu IELTS trở thành điều kiện bắt buộc để xét tuyển đại học, chắc chắn nó sẽ tạo nên tác động dội ngược (washback effect) lên việc dạy và học Tiếng Anh ở trường phổ thông. Giáo viên sẽ phải thay đổi cách tiếp cận và đánh giá sao cho tiệm cận với đề thi IELTS. Học sinh cũng tự đặt cho mình mục tiêu phù hợp và hướng phấn đấu rõ ràng, để không còn bị than phiền là “chỉ giỏi Ngữ pháp chứ không giao tiếp được”.
Dĩ nhiên, việc cải thiện chất lượng giảng dạy không phải chuyện ngày một ngày hai. Nhưng áp lực vào đại học như lực nén lò xo, kích thích học sinh và giáo viên “bung” hết nội lực để đáp ứng quy chuẩn khắt khe của IETLS. Đó thật sự là cơ hội tốt để cải biến về chất, làm nên “cuộc cách mạng” cho Tiếng Anh trong trường phổ thông.
Như vậy, xét tuyển đại học bằng IELTS mang lại nhiều lợi ích cho từng cá nhân học sinh, lẫn việc dạy và học Tiếng Anh bậc THPT.
Những băn khoăn phổ biến
- Tuyển sinh bằng IELTS có tạo nên bất bình đẳng cho học sinh vùng xa?
Nhiều người cho rằng học sinh ở các thành phố lớn sẽ có điều kiện “luyện thi” IELTS tốt hơn. Nghe có vẻ hợp lý, nhưng chưa chắc đã đúng. Thực tế cho thấy không ít thí sinh chỉ học ở quê, mà vẫn đạt kết quả IELTS rất cao. Các điểm thi IELTS hiện nay cũng mở rộng ra nhiều tỉnh thành, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thí sinh.
Tài liệu luyện thi IELTS cũng ngày càng phong phú và dễ tiếp cận, học sinh hoàn toàn có thể mua sách về tự học ôn thi trực tuyến cùng thầy cô giỏi. Đặc biệt, việc học online 2 năm qua đã rèn luyện cho học sinh thói quen tìm tòi, nghiên cứu qua mạng – những kỹ năng hữu ích để chuẩn bị tốt cho IELTS.
Do đó, khác biệt về điều kiện tiếp cận IELTS giữa học sinh các khu vực hiện đã được thu hẹp chưa từng có.
- IELTS có làm xáo trộn cách thức tuyển sinh đại học?
Hoàn toàn không.
Kết quả thi IELTS hiện chỉ là một trong những tiêu chí đánh giá trình độ Tiếng Anh của thí sinh. Nếu chưa có điểm IELTS, thí sinh có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc học bạ.
Xu hướng mùa tuyển sinh năm 2022 không thay đổi quá nhiều so với 2 mùa trước, nên không tạo nên xáo trộn nào.
- Áp lực thi IELTS có gây căng thẳng cho học sinh?
Với chương trình hiện tại, học sinh muốn thông thạo Tiếng Anh đều phải tự học thêm, hoặc tìm đến các Trung tâm Ngoại ngữ. Do đó, tuyển sinh đại học bằng IELTS cũng không tạo thêm căng thẳng cho các em, mà chỉ “danh chính ngôn thuận” đặt IELTS thành mục tiêu cần đạt. Về lâu về dài, nếu chương trình chính khóa có thể giúp học sinh ôn luyện IELTS thì việc học Tiếng Anh xem như được “gom về một mối”, giảm đáng kể áp lực cho học sinh và phụ huynh.
Hơn nữa, điểm IELTS hiện chưa phải là tiêu chí duy nhất để chứng minh khả năng Tiếng Anh khi ứng tuyển vào các trường đại học, nên thí sinh hoàn toàn có thể dùng kết quả học bạ hay thi tốt nghiệp THPT để thay thế, chứ không cần lo lắng nhiều.