“Mình có lẽ là một “chiếc cầu” trong việc chuyển giao giữa 2 thế hệ. Thế hệ của mình và trở về trước, tiếng Anh chỉ dùng để cho có vẻ “sang”, hoặc dùng để mua vé tàu điện khi đi du lịch. Thế hệ của đám gen Z nhà Vietcetera, nói tiếng Anh còn nhanh hơn tiếng mẹ đẻ. Trong hành trình chu du lẫn làm việc với cả 2 thế hệ, với nhiều tổ chức trong và ngoài nước, từ MTV Exit đến Google, mình nhận ra tiếng Anh không chỉ là công cụ giao tiếp, tiếp nhận những câu chuyện, mà còn là công cụ giúp mình thể hiện bản thân và kể chuyện cho cả thế giới về Việt Nam.
Các em bé của mình đều lai, nhưng sống trong môi trường ở Việt Nam, nên chuyện học tiếng nước ngoài trở thành một kỹ năng giúp giao tiếp chính. Việc các em phải sử dụng thành thạo nhiều hơn 2 thứ tiếng- gần như là điều kiện bắt buộc để con lớn lên. Nên mình chọn ghi chú những tips dưới đây cho những ai quan tâm:
1. Bố mẹ đừng chọn chỉ nói tiếng Anh với con: Rất nhiều ông bố bà mẹ, dù tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ, nhưng trong giao tiếp, mình thấy rất hay dùng tiếng Anh với con. Mình tôn trọng nỗ lực này, nhưng mình thực sự cho rằng, tiếng Anh trẻ cần được học đúng ngữ pháp và đào tạo bài bản. Việc tận dụng thời gian, giao tiếp những từ ngữ nhỏ trong sân chơi hay đời sống, thực sự chưa chắc giúp được các em bé đâu, nhất là khi các em chưa đi học tiếng chính thức ở đâu cả. Khả năng bố mẹ nói sai, rồi con cũng có thể học sai nữa.
2. Đừng quá coi trọng điểm số: Mình đã từng là người học tiếng Anh rất dốt, do áp lực phải học đều các môn của trường Chuyên. Mãi sau này, được đi du lịch, xem phim, mình mới tha thiết muốn dùng đến tiếng Anh. Vì thế, nếu chúng ta ý thức ngoại ngữ là một điều kiện không thể thiếu, như chuyện ăn cơm uống nước, thì đừng ép uổng, hãy để con thoải mái.
3. Quan trọng là trải nghiệm: Linh đi du lịch và cứ đọc vanh vách những chữ tiếng Anh đầu tiên là do tàu hỏa chạy qua các bảng hiệu. Midori sau này trò chuyện nhiều nhất bằng tiếng nước ngoài cũng do được sinh hoạt trong những sân chơi bổ ích. Cũng như người lớn, chúng ta nhớ nhất là những sự kiện có liên quan đến cảm xúc. Vì vậy, muốn con học giỏi tiếng Anh, hãy gắn con với trải nghiệm thực tế- các trại hè, kỳ nghỉ, phim ảnh…thay vì mỗi sách vở.
4. Context (bối cảnh) quan trọng hơn từ vựng: Linh thi thoảng sẽ hỏi mình từ tiếng Anh này có nghĩa là gì. Mình không bao giờ quên hỏi lý do từ vựng đấy được con nghĩ ra. Nó xuất hiện ở trong game, hay ở cuộc hội thoại nào. Và cũng đừng quên, tiếng Việt sẽ luôn là cái “mỏ neo” giúp giải thích kỹ hơn cho con.
5. Chọn những môi trường học tiếng Anh phù hợp: Hãy chọn một nơi mà con bạn có thể được mở ra nhiều cánh cửa khi học tiếng Anh, được nuôi dưỡng trí sáng tạo và tinh thần phiêu lưu khám giá thế giới, chứ không chú trọng con phải học thêm để lấy điểm số chính trong nhà trường. Ví dụ nếu là mình, mình đã chọn Trung tâm tiếng anh YOLA vì đã làm việc và dõi theo rất lâu, đặc biệt là chương trình Cất bước mở hành trình gần đây bởi YOLA thực sự nhìn xa hơn vào tương lai & sự phát triển toàn diện của các con, không chỉ dừng lại ở điểm số.”
Dù có áp dụng cách nào, mình cũng hy vọng các ông bố bà mẹ có thể cho con tự do khám phá tiếng Anh với một tâm thế thoải mái nhất nhé!
(Nguồn: Thuy Minh VJ)